Lịch sử hình thành và phát triển Đường_Hồ_Chí_Minh_trên_biển

Tiền thân

Tiền thân đường Hồ Chí Minh trên biển là hải lộ ven bờ do những người trong hàng ngũ Việt Minh ở Nam Bộ thực hiện lần đầu tiên. Năm 1946, lực lượng Việt Minh ở Nam Bộ đã tổ chức chuyến đi của một thuyền đánh cá xuất phát từ Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre ra Bắc xin tiếp tế vũ khí. Tàu cập bến trong vùng Việt Minh kiểm soát tại Tuy Hòa, Phú Yên. Những người trên tàu ra Bắc bằng tàu hỏa. Số vũ khí được Quân đội nhân dân Việt Nam cung cấp cũng được chuyển vào Phú Yên bằng tàu hỏa và chất lên thuyền chở vào Bến Tre.

Xây dựng lực lượng:

  • Khảo sát, thăm dò những hàng rào của đối phương và xây dựng phương phương án  tổ chức.
  • Đóng tàu và tổ chức đoàn đi
  • Tổ chức hệ thống bến bãi tiếp nhận, kho tàng

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam, năm 1959, Bộ Chính trị Việt NamQuân ủy Trung ương quyết định tổ chức nghiên cứu mở tuyến đường vận tải trên biển chi viện trực tiếp cho Quân Giải phóng miền Nam.

Tháng 7-1959, tiểu đoàn vận tải biển 603 được thành lập, đóng tại cửa biển sông Gianh- Quảng Bình với tên gọi là "Tập đoàn đánh cá Sông Gianh". Thuyền được nguỵ trang giống thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam. Sau một thời gian tập luyện, thăm dò và chuẩn bị mọi mặt, đêm ba mươi Tết Canh Tý (ngày 27 tháng 1 năm 1960), chuyến tàu đặc biệt đầu tiên xuất phát, gồm 6 người, do Nguyễn Bất chỉ huy đã đi chuyến đầu tiên vào Nam.

Thời kỳ ban đầu, đoàn tàu gồm các tàu vận tải cỡ nhỏ để thâm nhập vào miền Nam, mặc dù có số hiệu đầy đủ, song để giữ bí mật, các tàu này không sơn số hiệu lên thân tàu. Vì thế, những con tàu này được biết đến với tên gọi chung là “Đoàn tàu Không số”.

Từ tháng 6 năm 1961 đến tháng 2 năm 1962, những người lãnh đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa đã cử năm con thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí cũng như dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những người chỉ huy chủ chốt gồm các ông Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau), bà Nguyễn Thị Định, ông Bông Văn Dĩa... Trong số 5 chiếc thuyền gỗ, chiếc thuyền của Bà Rịa đã bị lực lượng tuần duyên của Hải quân Việt Nam Cộng hòa chặn bắt tại ngoài khơi Cam Ranh. Không phát hiện thấy nghi ngờ, con thuyền này được trả tự do. Sau đó nó bị bão đánh trôi dạt đến đảo Hải Nam. Đây là chiếc thuyền do ông Dương Quang Đông, nguyên Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương trước năm 1945, nguyên là cán bộ hậu cần của Việt Minh tại Khu VIII trong Kháng chiến chống Pháp được giao nhiệm vụ mua sắm. Tuy nhiên, khi di chuyển đến Bà Rịa, ba người cũng đi với ông Đông đã bị quân Việt Nam Cộng hòa bắn chết và tịch thu số tiền mà tổ công tác của ông được tổ chức giao cho để mua thuyền. Nhờ có bà Nguyễn Thị Mười ở Phước Hải, Long Đất đã dồn tiền của trong nhà tổng cộng 10 cây vàng để đóng góp, chiếc thuyền này được mua về và được sử dụng trong chuyến liên lạc, vận chuyển đầu tiên. Tham gia chuyến vượt biển trên con thuyền của Bà Rịa còn có ông Lê Hà, con trai bà Mười, sau này trở thành một trong các thuyền trưởng đầu tiên trên các con tàu không số.

Tháng 10 năm 1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Việt Nam quyết định thành lập tổ chức tuyến hậu cần chiến lược Bắc-Nam trên biển. Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức xây dựng tuyến đường này.

Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái ký Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759, là nòng cốt của Đoàn tàu không số, sau này trở thành Lữ đoàn 125 thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam[1]. Đoàn 759 có trách nhiệm chi viện vũ khí cho miền Nam bằng đường biển. Trung tá Đoàn Hồng Phước được giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng.[2] Đây là đơn vị đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ vận tải vũ khí, hàng hóa vào chiến trường miền Nam bằng các con tàu không số, mở ra sự phát triển mới của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tại Nam Bộ, Bộ Chỉ huy quân khu IX của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được giao nhiệm vụ thành lập Trung đoàn 962 chuyên trách nhiệm vụ chuẩn bị bến bãi tại bờ biển các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau. Bộ chỉ huy các Khu V, VI, VIII cũng được lệnh thiết lập các bến bãi bí mật để đón nhận nguồn ngân lực và vũ khí, đạn dược, phương tiện quân sự... từ miền Bắc chi viện cho Quân giải phóng miền Nam bằng đường biển.

Giai đoạn (1962-1965): Kịp thời và hiệu quả

Đêm 12-10-1962, chiếc tàu “Phương Đông 1” gồm 10 thủy thủ dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Lê Văn Một, chính trị viên Bông Văn Dĩa chở hơn 30 tấn vũ khí rời bến k15, Đồ Sơn (Hải Phòng) đi về phương Nam.

Đến sáng ngày 19-10-1962, tàu vào tới Chùm Gọng (Vàm Lũng, Tân An) an toàn. Tàu “Phương Đông 1” đã đi vào lịch sử, chính thức khai thông tuyến vận tải quân sự đường biển - Tuyến vận tải chiến lược - Sau chuyến đi thành công của tàu “Phương Đông 1”, ba chiếc tàu khác cũng đã cập bến Cà Mau an toàn; cùng với các bến Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa hình thành các cụm bến đón nhận những chuyến hàng đầu tiên của tuyến vận tải Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong thời gian này tuyến đường Trường Sơn trên bộ (được thành lập từ tháng 5 năm 1959), tuy đã rất khẩn trương tiến hành soi đường, gùi hàng, vũ khí vào chiến trường. Nhưng những năm đầu do địa hình phía Đông Trường Sơn quá hiểm trở, mặt khác lại bị địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt, nên hoạt động đã gặp nhiều khó khăn...

Trong khi đó tuyến vận tải trên biển đã nhanh chóng sớm phát huy được hiệu quả, nên thời kỳ đầu (1962 - 1965), những con tàu không số đã kịp thời phát huy hiệu quả, trở thành tuyến chi viện chiến lược chủ yếu cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Phát huy những kết quả giai đoạn 1962-1965, trong những năm tiếp theo, bộ đội ta đã luôn sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi mục tiêu đề ra, cụ thể được khái quát là:

Giai đoạn (1965-1973):

Thời kỳ (1965-1968): Từ sau Sự kiện Vũng Rô, bị mất đi yếu tố bí mật, ta phải đi xa bờ và chuyển sang hình thức “lừa miếng” - đi bằng phương pháp hàng hải thiên văn .

• Thời kỳ (1968-1969): Chuyển sang phương án vận chuyển gián tiếp.

• Thời kỳ (1969-1972): Tiếp tục phương án vận chuyển trực tiếp.

Từ tháng 2-1965 đến tháng 1-1973 là giai đoạn khó khăn nhất nhưng hết sức hào hùng của tuyến chi viện chiến lược trên biển. Sau sự kiện xảy ra với tàu C143 ở Vũng Rô (Phú Yên), yếu tố bí mật của tuyến chi viện chiến lược trên biển của ta không còn nữa. Nhưng công việc tiếp tế cho miền Nam bằng đường biển vẫn phải tiếp tục, buộc ta phải chuyển hướng vận chuyển từ phương thức trực tiếp sang phương thức gián tiếp. Bằng phương pháp vận chuyển này, trong một năm (từ 1-11-1968 đến 31-10-1969), lực lượng vận tải biển đã đưa vào cảng sông Gianh 21.737 tấn vũ khí. Từ đây, số vũ khí này được chuyển vào Nam theo đường bộ. Ngoài ra, trong giai đoạn này, cán bộ chiến sĩ Đoàn 125 còn tham gia chiến dịch vận tải VT5 - Vận tải tranh thủ tụt thang (từ tháng 11-1968 đến năm 1969), cùng các lực lượng trong và ngoài quân đội vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực, xăng dầu… từ Hải Phòng vào các tỉnh Nam Khu 4, tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược trên bộ (Đoàn 559).

Đồng thời với việc đẩy mạnh đưa hàng vào cảng sông Gianh, Quân chủng Hải quân chọn một số tàu và thủy thủ có kinh nghiệm tiếp tục vận chuyển vào Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển.

Giai đoạn (1973-1975):

Sau Hiệp định Paris , ta chuyển sang phương thức hoạt động công khai.

• Từ 1973 đến 1975, tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển đã dốc toàn bộ lực lượng và phương tiện, sử dụng hàng ngàn lượt chuyến tàu chuyển vũ khí và vật chất các loại vào các chiến trường.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975:

Ta đã sử dụng 140 lượt chuyến tàu, vận chuyển 6.282 tấn vũ khí và vật chất khác, cùng hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5, cơ động bộ đội đặc công chiến đấu giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Cù Lao Thu, các đảo phía Nam và Tây Nam của Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Hồ_Chí_Minh_trên_biển http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/10/6-thuy-thu-... http://www.baobinhthuan.com.vn/bien-dao/phan-vinh-... http://baoninhthuan.com.vn/news/16980p1c24/dang-va... http://vnca.cand.com.vn/Truyen-thong/Nguyen-Phan-V... http://www.voh.com.vn/news/NewsDetail.aspx?id=3737... http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1366&chitiet=... http://www.kiengiangtec.edu.vn/kgtec.Detail=Qua-tr... http://www.vnpost.mpt.gov.vn/bao_2006/so34_35/chuy... http://kienthuc.net.vn/giai-ma/huyen-thoai-tau-kho... http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/307/308/308/15...